Với mục đích đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như duy trì và phát triển công ty, các doanh nghiệp đã lựa chọn vay vốn nhằm gia tăng nguồn ngân sách. Việc này khiến doanh nghiệp phải trả một khoản chi phí lãi vay cho các cá nhân, tổ chức cho vay. Song, doanh nghiệp có được trừ chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN hay không? Điều kiện để chi phí lãi vay được tính vào chi phí hợp lý là gì? Hãy cùng Fato tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Điều kiện để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN
Bộ Tài Chính hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN được quy định như sau:
Khoản vay phải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi phí thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Các khoản chi phí có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định;
- Đối với các khoản chi nếu có hóa đơn mua sản phẩm, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (với giá bán đã bao gồm thuế GTGT), khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng).
Vì vậy, điều kiện tiên quyết của tất cả các khoản chi phí khi muốn được tính là chi phí được trừ là khoản vay được vay từ cá nhân, tổ chức tín dụng,… là phải dùng vào mục đích phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp phải góp đủ vốn điều lệ thì chi phí lãi vay mới được trừ khi tính thuế TNDN
Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế ở điểm này bao gồm:
- Khoản tiền lãi tương ứng với phần vốn điều lệ (trường hợp doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn trong điều lệ của doanh nghiệp bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh,
- Chi trả tiền lãi trong quá trình đầu tư mà khoản tiền này đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
Khi doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác, thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Chi trả khoản tiền lãi tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
- Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
- Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:
– Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay, thì khoản tiền lãi không được trừ bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.
– Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay, thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.
Lãi vay thực hiện theo quy định tại điểm 2.17 Điều này.
Lãi suất tiền vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay
Theo mục 2.17 điểm 2 Khoản này quy định rằng:
Doanh nghiệp vay của cá nhân không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế mà lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì phần vượt đó sẽ không được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ.
Đồng thời khi trả tiền lãi vay, doanh nghiệp cần phải khấu trừ thuế TNCN từ đầu tư vốn với tỷ lệ 5% trên số tiền lãi vay chi trả.
Lượng quỹ tiền mặt hoặc tiền gửi gửi ngân hàng tương đương với khoản tiền đi vay tại thời điểm ký hợp đồng vay
Khoản tiền lãi vay mà khi ký hợp đồng vay doanh nghiệp vẫn còn tồn quỹ tiền mặt, hoặc tiền gửi ngân hàng, đồng thời nếu khoản tiền đó tương đương với số tiền đi vay thì không được tính vào chi phí hợp lý đối với khoản chi phí lãi vay này.
Trong trường hợp còn tồn quỹ tiền mặt, hoặc tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp cần có giải trình hợp lý về việc sử dụng lượng tiền tồn quỹ này trong thời gian sắp tới.
- Trong trường hợp cơ quan thuế kiểm tra thấy khoản tiền mặt, tiền gửi tại quỹ đúng như doanh nghiệp giải trình và khoản chi phí trả lãi vay đó có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ theo quy định, thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ hoặc giá trị của khoản đầu tư;
- Trong trường hợp doanh nghiệp không giải trình được lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng tồn quỹ có kế hoạch sử dụng trong thời gian tới, thì doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí được trừ hoặc giá trị của khoản đầu tư.
Khoản tiền vay và lãi vay không được thanh toán dưới dạng tiền mặt
Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau phải sử dụng một trong các hình thức thanh toán:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt khác theo quy định.
Chi phí lãi vay được vốn hoá không được trừ khi tính thuế TNDN
Doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng để đầu tư xây dựng dự án nếu có phát sinh khoản chi trả tiền lãi vay trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định, thì khoản chi này được tính vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư nếu đủ điều kiện vốn hóa theo quy định pháp luật về kế toán.
Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định chi phí lãi vay đã được ghi nhận vào tài sản, giá trị công trình đầu tư thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Hoá đơn, chứng từ liên quan và hồ sơ thanh toán lãi vay
Trường hợp doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức có tư cách pháp nhân. Chứng từ vay bao gồm:
- Hồ sơ vay vốn;
- Chứng từ thanh toán không bằng tiền mặt;
- Giấy báo có của ngân hàng (chứng từ xác nhận số tiền từ bên cho vay chuyển đến số tài khoản của bên vay).
Trường hợp doanh nghiệp vay vốn của cá nhân. Chứng từ vay tiền giữa cá nhân và công ty gồm:
- Hợp đồng vay mượn tiền;
- Chứng minh thư của cá nhân;
- Chứng từ thanh toán (giấy báo có của ngân hàng);
- Chứng từ khấu trừ thuế TNCN 5% theo mẫu 06 (tức là khi trả tiền lãi cho cá nhân cho vay, doanh nghiệp phải khấu trừ 5% khoản lãi vay này để người đó nộp thuế TNCN).
Lưu ý: Các khoản vay không lấy lãi hoặc cho vay với lãi suất 0% khả năng cao sẽ bị ấn định lãi suất vay để truy thu thuế vì giao dịch không phù hợp với mức lãi suất trên thị trường.
Vì sao nên chọn FATO làm đơn vị tư vấn?
Quản lý các vấn đề về kế toán – thuế trong doanh nghiệp đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn sâu. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xử lý các vấn đề tuân thủ, FATO cung cấp đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau thông qua việc FATO thực hiện các dịch vụ kế toán, kế toán thuế, hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp. Với nguồn nhân lực, vật lực hiện có cùng với văn hoá làm việc tận tâm chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Xem thêm:
Hoá đơn facebook, google có được tính vào chi phí không?
Xử lý chi phí thuê nhà làm văn phòng không có hóa đơn
Tiền vé máy bay, khách sạn đi công tác có được tính vào chi phí hợp lý không?