Hành vi trốn thuế, gian lận về thuế được coi là một hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nếu một doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào? Mức phạt đối với các đối tượng này được quy định như thế nào. Nếu bạn cũng có cùng những thắc mắc đó, hãy cùng FATO tìm hiểu những vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được Chính phủ ra quyết định ban hành ngày 19/10/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020.
Nghị định này cũng chỉ ra những hành vi vi phạm hành chính, cách thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục, thẩm quyền xử phạt, lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, các quy định trong Nghị định này không áp dụng cho các đối tượng vi phạm hành chính về phí, lệ phí; đối với các mặt hàng xuất – nhập khẩu do cơ quan hải quan quản lý và vi phạm những quy định về thủ tục đăng ký thuế, về thông báo tạm ngừng hay tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của các cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh.
Quy định xử phạt hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp
Mức xử phạt hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP như sau:
Khoản 1: Phạt tiền 1 lần số thuế trốn
Phạt tiền 1 lần số thuế trốn với bên nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong số các hành vi vi phạm dưới đây:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ những trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này.
Trích điểm b,c khoản 4 và khoản 5 điều 13:
“Theo khoản 4: Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.
Theo khoản 5: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.” - Không ghi chú trong sổ sách kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không khai hoặc khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ những hành vi quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
- Không làm hóa đơn khi thực hiện hành vi mua bán hàng hóa, dịch vụ, trừ những trường hợp bên nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị của hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm, thất thoát số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm;
- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, giấy tờ không làm rõ bản chất hoặc giá trị giao dịch mua bán thực tế dẫn đến xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn; lập báo cáo, thủ tục hủy vật tư, hàng hóa sai thực tế, gây ra giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
- Sử dụng hàng hóa thuộc các trường hợp không phải chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích theo quy định mà không báo cáo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
- Đối tượng nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo, báo cáo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Khoản 2: Phạt tiền 1,5 lần số thuế trốn
Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn với các đối tượng nộp thuế có một trong số các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này và không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ.
Khoản 3: Phạt tiền 2 lần số thuế trốn
Phạt tiền 2 lần số thuế trốn với các đối tượng nộp thuế có một trong số các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, có một tình tiết tăng nặng.
Khoản 4: Phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn
Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn với các đối tượng nộp thuế có một trong số các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, có hai tình tiết tăng nặng.
Khoản 5: Phạt tiền 3 lần số thuế trốn
Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn với các đối tượng nộp thuế có một trong số các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Nếu hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn nêu rõ tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Trường hợp phát hiện vi phạm điểm b, đ, e khoản 1 sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Các hành vi vi phạm theo điểm b, đ, e khoản 1 Điều này bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm thất thoát số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Vì sao nên chọn FATO làm đơn vị tư vấn?
Quản lý các vấn đề về kế toán – thuế trong doanh nghiệp đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn sâu. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xử lý các vấn đề tuân thủ, FATO cung cấp đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau thông qua việc FATO thực hiện các dịch vụ kế toán, kế toán thuế, hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp. Với nguồn nhân lực, vật lực hiện có cùng với văn hoá làm việc tận tâm chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Xem thêm:
Vi phạm hành chính về thuế bị xử phạt như thế nào
Khai sai thuế có bị phạt không
Trình tự thủ tục kiểm tra thuế