Bối cảnh khởi nghiệp tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều cơ hội nảy sinh từ đại dịch, đại diện East Venture nói trên CNBC.
Roderick Purwana, hội viên quản lý của East Venture, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu khu vực cho rằng bối cảnh khởi nghiệp của Đông Nam Á ngày càng nhiều tiềm năng đầu tư. Cuộc suy thoái từ Covid-19 đã mang lại “nhiều cơ hội” cho các startup mới trong khu vực hình thành trong thời kỳ này. Trong đó các công ty công nghệ giáo dục, công nghệ y tế và công nghệ tài chính đã trở thành những câu chuyện thành công thực sự.
“Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng mang lại cơ hội và chúng tôi đã nhìn thấy điều đó”, Roderick Purwana khẳng định trên CNBC.
Ông cho biết, công ty đầu tư mạo hiểm của mình đã thấy một số startup hoặc công ty công nghệ lớn nhất hoặc thành công đều thành lập trong thời kỳ khủng hoảng, nhất là từ bong bóng dot-com đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo vị này, Covid-19 cũng mang tới cơ hội tương tự cho thị trường Đông Nam Á.
Nhận xét của Purwana được đưa ra khi các startup của Đông Nam Á đang có vị thế trên thị trường toàn cầu. Hôm 17/5, gã khổng lồ gọi xe của Indonesia Gojek thông báo đã hợp nhất với công ty thương mại điện tử Tokopedia để tạo thành Go To Group. Thỏa thuận này được coi là một động thái phủ đầu khi liên doanh này chuẩn bị lên sàn với mức định giá ước tính từ 35-40 tỷ USD.
Về thương vụ này, Purwana cho rằng việc định giá Go To Group “hơi cao” do sự cường điệu về tiềm năng thị trường gần đây trong khu vực. Tuy nhiên theo ông, mức giá này vẫn hợp lý về tổng thể và đây là một điều tích cực khi ngày càng nhiều startup khu vực đang gia nhập thị trường đại chúng.
Thị trường Đông Nam Á còn khởi sắc khi các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đã trở nên phổ biến trong khu vực và điểm danh trên nhiều thị trường toàn cầu. Tháng trước, Grab tuyên bố sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq trong một thương vụ sáp nhập SPAC trị giá gần 40 tỷ USD. “Chúng tôi đang coi SPAC là cơ hội cho một số công ty công nghệ tiếp cận thị trường đại chúng Mỹ”, ông Purwana nói.
Tại Việt Nam, thị trường khởi nghiệp cũng được đánh giá gặt hái các tín hiệu khả quan. CEO nhiều startup đều cảm thấy hài lòng và có cái nhìn tích cực về môi trường kinh doanh trong nước.
Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO hãng xe điện nội địa Dat Bike, cho rằng “được nhiều hơn mất” khi bỏ công việc ở Thung lũng Silicon (Mỹ) về Việt Nam khởi nghiệp. Anh cho rằng, thị trường trong nước đang rộng mở với nhiều cơ hội cho các doanh nhân gây dựng sự nghiệp. So với Mỹ, Việt Nam còn thiếu các dịch vụ hỗ trợ “trọn gói” cho các startup từ thủ tục pháp lý, đăng ký sở hữu trí tuệ, kết nối hạ tầng… Nhưng điều này cũng giúp Sơn có cơ hội tự học hỏi và thực hành mọi thứ để khởi tạo một doanh nghiệp.
Từ thành công ở thị trường trong nước, không ít startup đang bắt tay vào kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra Đông Nam Á giữa bối cảnh nền kinh tế nhiều quốc gia vẫn chịu tổn thương vì Covid-19. BusMap, ứng dụng hỗ trợ người dùng giao thông công cộng của Lê Yên Thanh, đang tìm cơ hội nhân rộng mô hình sang các nước khác. CEO startup này nhận thấy, giao thông công cộng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa phát triển, sẽ là cơ hội để BusMap hiện diện tại nhiều quốc gia.
Không chỉ các doanh nhân trong nước tìm thấy cơ hội phát triển tại Việt Nam, các CEO người nước ngoài cũng đang có startup tăng trưởng tốt tại mảnh đất hình chữ S. Simon Byun đến Việt Nam đã 16 năm, hiện đang dẫn dắt Go2Joy, nền tảng đặt phòng khách sạn ngắn hạn có hơn một triệu người dùng. Ông có gia đình ở Việt Nam và dự định ở đây mãi mãi. Go2Joy đang có kế hoạch mở rộng ra khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn xác định Việt Nam sẽ là trụ sở chính, điều hành mọi hoạt động kinh doanh.
(Nguồn Tất Đạt)