Giải pháp chủ yếu nhằm phát triển TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính vùng miền Trung

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời gian qua và tiềm năng, lợi thế của TP. Đà Nẵng, đồng thời triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bài viết đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính cấp vùng.

Sự cần thiết xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính cấp vùng

Những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của Vùng và từng địa phương trong Vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của Vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển… (Bộ Chính trị, 2022).

Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực.

Ngành dịch vụ, trong đó có các dịch vụ tài chính phát triển chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tỷ suất lợi nhuận thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao, tỷ lệ đường cao tốc thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp. Các đô thị trung tâm vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển Vùng. Văn hóa – xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Một số chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chưa đạt mục tiêu đặt ra.

Thị trường lao động chậm phát triển, thiếu linh hoạt, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao; chất lượng lao động và việc làm còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn bị động; công tác dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Trước tình hình trên, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Đặc biệt, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng.

Thiết kế chưa có tên

Việc nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh như:

– Có vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi. Nằm ở điểm giữa của đất nước, nếu lấy Đà Nẵng làm tâm, chỉ khoảng 3 giờ bay là đến các nền kinh tế năng động ở châu Á như Singapore, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc)… Trước khi xảy ra dịch Covid-19, mỗi tuần có khoảng 500 chuyến bay quốc tế kết nối 35 thành phố của 9 quốc gia vùng lãnh thổ đến Đà Nẵng. Dự kiến đến năm 2030, sân bay Đà Nẵng sẽ được mở rộng với công suất đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm (Thành Vân, 2021).

– Sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản. Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế lớn nhất vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với tốc độ tăng trưởng và quy mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước. Đặc biệt, Đà Nẵng có môi trường sống an toàn, ổn định, là trung tâm giáo dục đào tạo ở miền Trung với hơn 25 trường đại học, cao đẳng và đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

– Được định hướng trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng đủ để hình thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech).

– Có quỹ đất sạch khá lớn (6,17 ha) và có khả năng mở rộng lên thành 62 ha được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu vực tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Thành phố (Nguyễn Văn Quảng, 2022).

Mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng của TP. Đà Nẵng dựa trên 3 chức năng chính, gồm: (1) Cung cấp dịch vụ tài chính hay còn gọi là trung tâm tài chính hải ngoại (offshore); (2) Trung tâm fintech; (3) Hoạt động phụ trợ cho hoạt động tài chính và dịch vụ tiện ích. Trong đó, đối với trung tâm tài chính hải ngoại, đây là mô hình có thể áp dụng ngay để tận dụng lợi thế hiện tại của Việt Nam (múi giờ khác biệt so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới). Theo đó, vừa có thể triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính, qua đó dần hướng đến xây dựng một trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế. Còn đối với các hoạt động dịch vụ tiện ích, đề xuất các dự án đầu tư bất động sản, dịch vụ tiện ích, vui chơi giải trí trong trung tâm tài chính, coi đây là các yếu tố để nâng cao dịch vụ và chất lượng sống (đây là nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm).

Việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ là một tiếp cận mới trong quá trình phát triển Thành phố trong thời gian tới để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư. Trung tâm tài chính khu vực sẽ hướng đến mục tiêu thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính truyền thống và tài chính dựa vào nền tảng công nghệ, các quỹ đầu tư, bảo hiểm, các công ty chứng khoán thành lập, hội sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Thành phố; phát triển hệ thống tổ chức tài chính, tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc với cấu trúc đa dạng về quy mô, loại hình.

Đề xuất giải pháp

Việc cho phép phát triển mô hình trung tâm tài chính Đà Nẵng nói riêng, ở Việt Nam nói chung là một vấn đề rất mới, đặt ra những thách thức lớn cả về yêu cầu hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và cả về mặt quản lý nhà nước để đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Vì vậy, cần xác định đây là vấn đề mang tầm quốc gia, không phải của riêng Đà Nẵng hay bất kỳ địa phương nào. Tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính cấp vùng ở Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ như sau:

Thứ nhất, cần có các chính sách ưu đãi và đặc thù như: cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính; ưu đãi về thuế…; thúc đẩy huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng; khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng tại trung tâm tài chính; cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác; chính sách về ngoại hối; phát triển fintech. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các chính sách khác như: chính sách xuất nhập cảnh và chính sách về giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, Thành phố cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Đà Nẵng.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế.

Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, khuyến khích cho hoạt động đầu tư, nhất là đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; đồng thời, hình thành các hoạt động dịch vụ chất lượng cao về y tế, văn hóa, giáo dục, các trung tâm hội nghị, khu phi thuế quan, khu nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp, gia tăng chất lượng sống của đô thị để hình thành hệ sinh thái, các không gian sống và làm việc thỏa mãn các nhà đầu tư tài chính quốc tế và khu vực.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 về phát triển kỉnh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Nguyễn Văn Quảng (2022), Tham luận trình bày tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 16/11/2022.

3. Thành Vân (2021), Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực: Động lực cho kinh tế bứt phá, truy cập từ https://nhadautu.vn/xay-dung-da-nang-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-dong-luc-cho-kinh-te-but-pha-d55239.html

4. UBND TP. Đà Nẵng (2022), Báo cáo sơ bộ “Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

5. UBND TP. Đà Nẵng (2022), Báo cáo 25 năm TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Để lại một bình luận

0905 795 139