Do Covid-19 nên Ngày Thần tài năm nay người dân không đi mua vàng sôi nổi.
Chuyên gia dự báo thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng có thể vẫn duy trì sau dịch, là cơ hội cho ai chịu kinh doanh online.
Do Covid-19 nên Ngày Thần tài năm nay người dân không đi mua vàng sôi nổi. Nắm được tình hình, PNJ lập tức chuẩn bị kênh trực tuyến để phục vụ cho các đợt cao điểm tiếp theo như Ngày tình nhân 14/2, Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nhờ vậy kênh online của họ đã tăng trưởng nhanh.
“Trước đây, dự báo kênh thương mại điện tử tăng 200%. Nhưng chỉ hai tháng diễn ra dịch bệnh đã tăng 400%. Trong sức ép của đại dịch, khách hàng thay đổi thói quen mua sắm rất nhanh”; ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ nói tại một toạ đàm trực tuyến hôm 15/5.
Xu hướng tăng cường mua sắm trực tuyến mùa dịch tăng
Trên sàn Tiki, xu hướng tăng cường mua sắm trực tuyến mùa dịch cũng được ghi nhận rõ nét. Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, cho biết thời gian khách hàng ở lại trên trang tăng 20% so với trước dịch và hiện vẫn duy trì.
“Nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng trên trang cũng nhiều hơn. Các hành vi ấy đã dần hình thành như thói quen nơi người tiêu dùng”, bà Linh nói đây không phải là sự thay đổi ngắn hạn.
Theo bà Linh, khoảng 2 năm nay thương mại điện tử có nhiều động lực phát triển tốt, dịch chuyển hành vi người tiêu dùng nhanh, nhu cầu của họ cũng cao hơn.
“Người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn, đặc biệt các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Việt Nam có cơ hội lớn về phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực tuyến. Có thể còn xuất hiện các dịch vụ tư vấn online nữa”, bà Phan Bích Tâm, Giám đốc quốc gia của Hiệp hội Mobile Marketing dự báo.
Thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn 3 thử thách
Dù đang phát triển tốt và có thêm cơ hội từ hành vi tiêu dùng thay đổi sau dịch, thương mại điện tử Việt Nam, theo bà Vũ Thị Nhật Linh, vẫn còn 3 thử thách.
Thứ nhất, thanh toán khi nhận hàng (COD) hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này dẫn đến khó khăn quản trị chuỗi cung ứng. Thứ hai, cơ sở hạ tầng (logistics) vẫn chiếm chi phí cao. Thứ ba, không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng về thông tin, kiến thức, kỹ năng và cả tâm lý để bán hàng trực tuyến.
“Khó khăn của chúng tôi là làm sao giải quyết được sự cạnh tranh về nguồn lực. Phải giải quyết nhiều bài toán, tại sự hài hòa giữa kênh online và kênh offline”; ông Lê Trí Thông chia sẻ kinh nghiệm.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức hiện hữu, bà Phan Bích Tâm gợi ý. Người tiêu dùng ở đâu thì doanh nghiệp nên đuổi theo để giành cơ hội ở đó. Trong quá trình kết hợp giữa offline và online, điều quan trọng là quản lý dữ liệu khách hàng, hiểu khách hàng để tận dụng.
Người tiêu dùng đã có thói quen trực tuyến nhiều hơn
Ông Lê Trí Thông nêu ví dụ, người tiêu dùng đã có thói quen trực tuyến nhiều hơn nên có xu hướng so sánh thông tin nhiều hơn trước. Một khi hành vi của họ đã đi vào sự chọn lọc thì nhãn hàng cần phải lưu ý. Ngoài ra, hãy nương theo điều mà khách hàng quan tâm hơn là tự gây chú ý họ.
“Chúng tôi không cố tạo ra thay đổi của khách hàng, mà nhìn việc số hóa đã khiến hành vi họ thay đổi như thế nào, để từ đó ‘giăng buồm’ theo”, ông Thông nói
Nhóm chuyên gia lưu ý thêm, các doanh nghiệp giờ mới quan tâm trực tuyến thì nên cẩn thận hơn. Doanh nghiệp nhỏ hãy xem kinh tế số là cơ hội để đi nhanh hơn. Doanh nghiệp lớn chưa chắc đã có nhiều cơ hội như họ.
Đầu tư cần nguồn lực, cách vận hành nên đầu tư kênh trực tuyến nào. Cần đánh giá kỹ xem kênh đó có phù hợp với khách hàng mục tiêu của mình. Và quan trọng, phải cho khách hàng biết doanh nghiệp đang có những kênh phân phối nào. “Điểm quan trọng là tính uyển chuyển. Ai chậm sẽ tạo cơ hội cho người nhanh hơn gia tăng thị phần”, ông Thông nói.
(Nguồn từ: Vnexpress.net)