Một nhóm nghiên cứu môi trường cho biết, hàng chục nghìn mảnh rác thải nhựa trôi nổi bừa bãi trên trái đất này lại là của một số ít các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Nestle và PepsiCo.
Vấn đề rác thải từ các tập đoàn đa quốc gia
Theo thống kê của trang web Break Free From Plastic – phong trào kêu gọi giảm rác thải nhựa quy mô toàn cầu; Coca Cola là thương hiệu có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới trong năm qua. Các chai nhựa của Coca Cola được tìm thấy ở 51 trên 55 nước được khảo sát. Năm ngoái, con số này chỉ là 37/55 nước. Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 là Nestle và PepsiCo.
Lượng rác thải nhựa của Coca-Cola còn nhiều hơn của hai hãng PepsiCo và Nestlé cộng lại. Nhãn hiệu Coca-Cola được phát hiện trên 13.834 miếng nhựa. Trong khi đó con số này của PepsiCo là 5.155 và của thương hiệu Nestlé là 8.633.
Cuộc thống kê được Break Free From Plastic tổ chức hàng năm có sự tham gia của hơn 15.000 tình nguyện viên; xác định đâu là thương hiệu có số lượng rác thải nhựa được tìm thấy ở nhiều quốc gia nhất. Năm nay, họ đã thu gom được 346.494 mảnh rác thải nhựa. Trong đó 63% có nhãn hiệu rõ ràng.
Theo báo cáo này, các quốc gia Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka thải nhựa nhiều nhất vào đại dương, nhưng “nguồn gốc của phần lớn nhựa gây ô nhiễm này ở châu Á lại thực sự là các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại châu Âu và Hoa Kỳ”. Coca-Cola, PepsiCo và Nestle chịu trách nhiệm cho hầu hết các mảnh nhựa được thu thập, báo cáo khẳng định. Những công ty khác trong 10 công ty gây ô nhiễm hàng đầu bao gồm: Mondelez International, Unilever, Mars, P & G, Colgate-Palmolive, Philip Morris và Perfetti Van Mille.
Những nỗ lực không kết quả
Thời gian gần đây, Coca-Cola đang quảng cáo chai sử dụng một lần bằng nhựa được thu thập từ các đại dương; cũng như những nỗ lực của PepsiCo để thúc đẩy tái chế. Nhưng báo cáo này cảnh báo họ “đừng đi vào vấn đề khiến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa sẽ ngày càng tồi tệ hơn”.
Báo cáo cũng cáo buộc Nestle bán hơn một tỷ sản phẩm mỗi ngày trong bao bì sử dụng một lần. Nhưng không có kế hoạch rõ ràng để giảm tổng số nhựa mà họ đưa ra thế giới. Phía công ty Nestle cho biết họ đang thúc đẩy các giải pháp làm giảm các báo cáo như này.
“Là công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, chúng tôi biết rằng chúng tôi có vai trò quan trọng trong việc định hình các giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề rác thải nhựa”. Một phát ngôn viên của Nestle nói với AFP trong một tuyên bố:
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc bao bì quá nhiều trong môi trường. Chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo các bao bì của mình có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025”.
Đầu năm nay, Coca-Cola vấp phải sự chỉ trích từ các nhà vận động bảo vệ môi trường. Khi tuyên bố rằng sẽ không từ bỏ chai nhựa. Thương hiệu này cho rằng khách hàng ưa chuộng vỏ chai nhựa hơn, theo Guardian. Tuy nhiên, Coca Cola phủ nhận lời chỉ trích rằng họ không đạt được tiến triển nào; và tuyên bố mình vẫn đang rất cố gắng giải quyết vấn đề rác thải nhựa bằng cách hợp tác với các nhãn hiệu khác.
Mục tiêu cắt giảm rác thải
Đại diện của PepsiCo cũng khẳng định họ đã đặt ra các mục tiêu giảm rác thải nhựa; ví dụ như giảm 35% nhựa nguyên sinh trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống năm 2025; hay tăng cường tái chế và tái sử dụng thông qua các doanh nghiệp như SodaStream và SodaStream Professional. Điều này sẽ giúp PepsiCo loại bỏ khoảng 67 tỷ chai nhựa dùng 1 lần tính đến năm 2025. Không chỉ vậy, tập đoàn còn xác nhận họ đang đầu tư hơn 65 triệu USD vào việc nâng cấp các cơ sở tái chế và thu gom, tính từ năm 2018.
Một phát ngôn viên của PepsiCo nói với AFP, “Thay đổi cách xã hội sản xuất, sử dụng và xử lý bao bì là một thách thức phức tạp. Và chúng tôi đang đóng vai trò của mình. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống mà bao bì nhựa không bao giờ trở nên lãng phí”.
Phía Nestle cũng đưa ra những lời cam kết mạnh mẽ trong việc cắt giảm rác thải nhựa. “Chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng; và giảm 1/3 lượng nhựa nguyên sinh dùng cho sản xuất vào năm 2025. Hiện tại, 87% tổng số bao bì và 66% bao bì nhựa của chúng tôi đã có thể tái chế hoặc tái sử dụng”; Đại diện Nestle khẳng định.
Hoài Thu