Nguyên tắc thận trọng trong kế toán và vấn đề cần lưu ý

Nguyên tắc thận trọng đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin kế toán tài chính. Việc áp dụng đúng nguyên tắc này là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp và người làm kế toán. Bài viết giới thiệu về nguyên tắc thận trọng trong kế toán và một số điều cần lưu ý khi áp dụng nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại doanh nghiệp.

Tổng quan về nguyên tắc thận trọng trong kế toán

Khái niệm

Nguyên tắc thận trọng (Conservatism principle) là một trong những nguyên tắc cơ bản và lâu đời nhất trong hoạt động kế toán tài chính với nội dung: “Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn”.

Khái niệm về thận trọng kế toán đầu tiên thể hiện qua lời cảnh báo được đưa ra trong nghiên cứu của Bliss (1924) khi cho rằng, có thể không cần phải dự báo lợi ích (lợi nhuận) nhưng phải dự đoán tất cả các tổn thất có thể có. Điều này ngụ ý rằng, tổn thất sẽ được xác định sớm hơn nhiều, trong khi việc ghi nhận lợi nhuận trong sổ sách được hoãn lại cho đến khi doanh nghiệp đạt được lợi nhuận thực sự. Sterling (1967) mô tả thận trọng là “nguyên tắc cổ xưa nhất và có lẽ là phổ biến nhất trong định giá kế toán”.

_MG_0223
Fato cung cấp dịch vụ kế toán chuẩn mực cho Doanh nghiệp

Theo Bản Tuyên bố về các khái niệm Kế toán tài chính (SFAC, 1980), nguyên tắc thận trọng trong kế toán là một phản ứng cẩn thận (thận trọng) đối với những điều không chắc chắn để cố gắng đảm bảo rằng những bất ổn và rủi ro tiềm tàng trong các tình huống kinh doanh được xem xét một cách đầy đủ. Vì vậy, nếu có hai ước tính về số tiền được nhận hoặc phải trả trong tương lai có giá trị tương đương nhau thì nguyên tắc “thận trọng kế toán” cần đề xuất sử dụng ước tính ít khả quan hơn. Tuy nhiên, nếu hai giá trị này không ngang bằng nhau, thận trọng kế toán không bắt buộc nhất thiết phải sử dụng giá trị ít khả quan hơn.

Tại Việt Nam, theo Chuẩn mực số 01 – Chuẩn mực chung được ban hành tại Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành và công bố sáu chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 2) khẳng định, thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn.

Vai trò của nguyên tắc thận trọng trong kế toán

Vai trò chính của nguyên tắc thận trọng kế toán là đảm bảo rằng các sự kiện và giao dịch được ghi nhận và báo cáo một cách cẩn thận và khách quan. Nguyên tắc này đặt nền tảng cho việc đánh giá và xác định giá trị của tài sản và nợ, đồng thời đưa ra quyết định về việc phân bổ lợi nhuận và xác định các khoản lỗ.

Ngoài ra, nguyên tắc thận trọng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin tài chính. Nói cách khác, nguyên tắc thận trọng kế toán giúp đảm bảo rằng, thông tin tài chính được báo cáo mang tính khách quan và trung thực, không quá “khuyếch trương” lợi nhuận và che giấu những rủi ro tiềm tàng. Nó tạo ra sự minh bạch và đáng tin cậy trong quá trình báo cáo tài chính và hỗ trợ người sử dụng thông tin tài chính trong việc ra quyết định.

Phân loại nguyên tắc thận trọng

Theo Beaver và Ryan (2005), thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán có thể được phân loại theo hai trường hợp:

– Nguyên tắc thận trọng có điều kiện: Xảy ra khi các thông tin kinh tế tiêu cực có ảnh hưởng tới lợi nhuận được ghi nhận nhanh hơn các thông tin kinh tế tích cực. Nói cách khác, nguyên tắc thận trọng có điều kiện và có đặc điểm là thời điểm và điều kiện không giống nhau khi ghi nhận các thông tin kinh tế tiêu cực và tích cực vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, các quy định về kế toán (do các cơ quan có thẩm quyền ban hành) cho phép doanh nghiệp ghi nhận giảm giá trị tài sản hoặc ghi nhận chi phí khi có bằng chứng cho thấy có khả năng xảy ra, trong khi chỉ được phép ghi nhận doanh thu hay tăng tài sản ghi có bằng chứng chắc chắn.

– Nguyên tắc thận trọng vô điều kiện: Xảy ra khi doanh nghiệp thực hiện việc ghi nhận một cách nhất quán giá trị tài sản thấp hơn giá trị kế toán ròng. Khác với nguyên tắc thận trọng có điều kiện, nguyên tắc thận trọng vô điều kiện không phụ thuộc vào các thông tin sự kiện. Khi đó, doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế để ghi nhận vào chi phí các trường hợp cụ thể.

Như vậy, sự khác biệt chính giữa hai dạng nguyên tắc thận trọng là việc thực hiện nguyên tắc thận trọng có điều kiện phụ thuộc vào các sự kiện tin tức kinh tế trong khi đó nguyên tắc thận trọng vô điều kiện không phụ thuộc vào yếu tố này.

Cách áp dụng nguyên tắc thận trọng vào trong hạch toán

Bảng 1: Các yêu cầu quan trọng khi áp dụng nguyên tắc thận trọng

STT

Yêu cầu

1

Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn

2

Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập

3

Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí

4

Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí

Nguồn: Chuẩn mực số 01, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam

Theo SAAP (2023), trong hoạt động hạch toán, việc áp dụng nguyên tắc thận trọng kế toán cơ bản được áp dụng tại các trường hợp như:

– Nguyên tắc kế toán các khoản nợ phải trả: Theo quy định tại Điều 50, Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi có các bằng chứng cho thấy một khoản tổn thất có khả năng chắc chắn xảy ra, kế toán phải ghi nhận ngay một khoản phải trả theo nguyên tắc thận trọng.

– Nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu: Theo quy định tại Điều 78, Thông tư số 200/2014/TT-BTC, doanh thu và chi phí tạo ra khoản doanh thu đó phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.

Trong những trường hợp xảy ra xung đột giữa nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc phù hợp, kế toán nên sử dụng bản chất các chuẩn mực kế toán và kinh nghiệm để lựa chọn phương án thích hợp. Theo đó, kế toán cần hiểu rõ và phân loại các giao dịch trên hợp đồng kinh tế để ghi nhận doanh thu theo đúng chuẩn mực; Ghi nhận doanh thu phải căn cứ vào bản chất của giao dịch, thay vì chỉ dựa trên tên gọi, và cần phân bổ theo nghĩa vụ cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

– Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí: Theo quy định tại Điều 82, Thông tư số 200/2014/TT-BTC, việc ghi nhận chi phí ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán nhưng có khả năng chắc chắn sẽ phát sinh nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Chi phí và khoản doanh thu do nó tạo ra phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.

– Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục: Theo quy định tại Điều 102, Thông tư số 200/2014/TT-BTC, các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.

Một số lưu ý khi áp dụng nguyên tắc thận trọng trong kế toán

Việc áp dụng đúng nguyên tắc thận trọng là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, tuy nhiên, theo các chuyên gia kế toán, khi áp dụng nguyên tắc này trong kế toán cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, nhận thức đúng về nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Theo đó, nguyên tắc thận trọng xuất phát từ yêu cầu về tính tin cậy của thông tin kế toán. Bên cạnh đó, một hệ thống thông tin kế toán có độ thận trọng cao sẽ đáng tin cậy hơn so với một hệ thống kế toán không thận trọng. Bản chất của nguyên tắc thận trọng là chỉ dẫn cho người làm kế toán và nhà quản lý thận trọng trong việc ghi nhận các thông tin trong những điều kiện không chắc chắn, khi đó kế toán sẽ sử dụng các ước tính kế toán một cách thận trọng và đáng tin cậy để ghi sổ kế toán. Tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán một lần nữa được khẳng định thông qua việc Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) đã yêu cầu đưa lại khái niệm thận trọng vào khuôn mẫu khái niệm (Conceptual Framework) vừa được ban hành vào tháng 3/2018 sau một thời gian loại bỏ khỏi khuôn mẫu khái niệm từ năm 2010.

Hai là, nắm vững các yêu cầu quan trọng khi áp dụng nguyên tắc thận trọng. Cụ thể, theo Chuẩn mực số 01 – Chuẩn mực chung, nguyên tắc thận trọng đòi hỏi: Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn; Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập; Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí; Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.

Trong đó, theo quy định tại Điều 78, Thông tư số 200/2014/TT-BTC, doanh thu được hiểu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, trừ phần đóng góp thêm của cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch xảy ra, khi có chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, và được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu tiền. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 82 Thông tư số 200/2014/TT-BTC, chi phí có thể được ghi nhận ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán, nhưng với khả năng chắc chắn phát sinh, nhằm tuân thủ nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Ghi nhận chi phí và khoản doanh thu tạo ra nên được thực hiện cùng lúc theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Trong những trường hợp đó, kế toán phải dựa vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực và hợp lý.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2002), Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành và công bố sáu chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 2);
  2. Bộ Tài chính (2002), Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Chuẩn mực số 01 – Chuẩn mực chung;
  3. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
  4. SAAP. Nguyên tắc thận trọng kế toán và những điều cần nắm rõ. Truy cập từ link: https://sapp.edu.vn/nguyen-tac-than-trong/;
  5. Beaver và Ryan (2005), “Conditional and Unconditional Conservatism:Concepts and Modeling”;
  6. Ball. R. and Shivakumar. L. (2005), Earnings quality in UK private firms: comparative loss recognition timeliness. Journal of Accounting and Economics. Vol.39. No.1. pp.83-128;
  7. Basu. S. (1997), The conservatism principle and the asymmetric timeliness of earnings. Journal of Accounting and Economics. Vlo. 24. No.1. pp. 3-37;
  8. Beaver. W.H. and Ryan. S.G.. (2000), Biases and lags in book value and their effects on the ability of the book-to-market ratio to predict book return on equity. Journal of Accounting Research. Vol.38. No.1. pp.127-148;
  9. Feltham. G. and Ohlson. J.A. (1995), Valuation and clean surplus accounting for operating and financial activities. Comtemporary Accounting Research. Vol.11. No.2. pp.689-731;
  10. Financial Accounting Standards Board (1980), Statement of Financial Accounting Concepts No. 2. Qualitative characteristics ofaccountinginformation. Norwalk. CT: FASB;
  11. Sterling. R.R. (1967), Conservatism: The fundamental principle of valuation in traditional accounting. Abacus. Vol.3. No.2. pp.109-132.

(Nguồn: ThS. Ninh Thị Thúy Ngân)

Để lại một bình luận

0905 795 139